Đăng nhập | Quên mật khẩu
Giỏ hàng: 0
select
CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN YẾN HƯƠNG

Địa chỉ: Quốc Lộ 60 ấp 1 xã Hữu Định
Huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre
Điện thoại: (075) 38.34567 - 356.1756
Fax : (075) 38.13310
Email: yenhuong@hcm.vnn.vn









"Tôi thấy những người làm chủ doanh nghiệp là những người dũng cảm thật sự. Họ chơi một cuộc chơi rất bất công, thiếu minh bạch và trọng tài kém đạo đức. Vì thế, tôi không làm." - Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhảy vào hôi của vì thiếu lòng tin?

SGTT.VN - Hình ảnh lợi dụng tình cảnh ngặt nghèo của người khác để chiếm đoạt tài sản (cướp bia, dưa hấu...) được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, gây bất bình trong dư luận. Hành động này xảy ra, đơn giản vì thiếu lòng tin. Nếu không ai tin ai, thì chuẩn mực sẽ bị xếp xó.

Một chiếc xe tải chở dưa hấu bị tai nạn lật ngang, khiến dưa bị rơi vãi tung toé trên đường. Người đi đường xúm lại, nhưng không phải để giúp đỡ người lái xe gặp nạn, mà để tranh thủ nhặt dưa mang về nhà làm của riêng.

Thấy người gặp nạn không ứng cứu thì thôi, lại còn khai thác điều kiện khó khăn của người ta để trục lợi cho bản thân, thì đúng là không thể chấp nhận. Ảnh: N.V

Hình ảnh lợi dụng tình cảnh ngặt nghèo của người khác để chiếm đoạt tài sản được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, gây bất bình trong dư luận. Đáng nói nữa, đây không phải là lần đầu sự việc loại này xảy ra: cách nay không lâu và cách nơi đó cũng không xa, một chiếc xe tải chở bia gặp nạn làm nhiều thùng bia văng tứ tung, đã tạo cơ hội cho nhiều người có bia uống thoải mái mà không phải trả tiền.

Hiện tượng số đông đi “hôi của” được lặp đi lặp lại tất yếu sẽ làm hình thành định kiến xấu của dư luận về một nhóm người, một cộng đồng. Nhiều ý kiến bày tỏ nỗi hổ thẹn trước sự bộc lộ tính cách thấp kém của những người được gọi là đồng bào, đặc biệt trong bối cảnh những tấm gương về tinh thần tương trợ, tình đoàn kết và ý thức sẻ chia trong hoạn nạn của người Nhật được phổ biến rộng rãi.

Thấy người gặp nạn không ứng cứu thì thôi, lại còn khai thác điều kiện khó khăn của người ta để trục lợi cho bản thân, thì đúng là không thể chấp nhận. Hành vi đó rất sai, đáng lên án, tẩy chay.

Song, thử bỏ qua một bên các khía cạnh phân tích xã hội, pháp lý hoặc đạo đức đối với hành vi, thì còn lại một góc nhìn cho phép nhận ra một điều quá đơn giản: người ta nhặt dưa, bia về để ăn, uống hoặc để bán lấy tiền, nói chung là để đáp ứng các nhu cầu cho cuộc sống của mình.

Suy cho cùng, mỗi hành vi có ý thức của con người, kể cả việc làm bậy, đều được thực hiện dưới sự thôi thúc của lợi ích. Con người ta, theo đúng bản năng, muốn lấy bất kỳ thứ gì mình thích và muốn thụ hưởng mọi thứ theo ý mình.

Trong xã hội nguyên sơ, để thoả mãn mong muốn cá nhân trong điều kiện có những cá thể cùng quan tâm chiếm giữ một thứ gì đó, thì tất nhiên phải có sự tranh giành và ai mạnh hơn thì thắng. Chính trong quá trình vươn lên từ sự mông muội, con người mới dần dần nhận ra sự cần thiết của việc tổ chức phân phối lợi ích cho phép mỗi người thoả mãn hợp lý các nhu cầu mà không cần phải loại trừ nhau bằng vũ lực.

Hệ thống quy ước xã hội ra đời như là kết quả của các nỗ lực dung hoà giữa các lợi ích đối lập nhằm đạt được mục tiêu đó. Tuỳ theo nguồn gốc hình thành, tính chất, mức độ ràng buộc. Các quy ước mang những tên gọi khác nhau, như thói quen của cộng đồng, phong tục, tập quán hay luật pháp. Độ chặt chẽ, tinh vi và hữu hiệu của các quy ước xã hội là căn cứ chủ yếu để đánh giá trình độ tổ chức, trình độ văn minh của xã hội đó.

Một chiếc xe tải chở dưa hấu bị tai nạn lật ngang, khiến dưa bị rơi vãi tung toé trên đường. Người đi đường xúm lại, nhưng không phải để giúp đỡ người lái xe gặp nạn, mà để tranh thủ nhặt dưa mang về nhà làm của riêng. Ảnh: N.V

Thực ra, quy ước xã hội tự nó không phải là chất liệu kết dính con người trong các mối quan hệ xã hội đa dạng. Để việc theo đuổi lợi ích trong không gian chung được thực hiện bằng hành vi ứng xử đúng mực và trên căn bản tự nguyện, trước hết con người phải chấp nhận nhau, cho phép cùng nhau tồn tại và thừa nhận năng lực, giá trị của nhau cũng như sự cần thiết đối với nhau. Sự chấp nhận, cho phép, thừa nhận đó là biểu hiện của cái được gọi là lòng tin.

Nhờ có lòng tin mà trong trường hợp có nhiều người cùng quan tâm tìm kiếm một lợi ích, người ta có đủ kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình. Nó lý giải việc những nạn nhân động đất và sóng thần tự nguyện xếp hàng nhận lương thực trong vòng trật tự. Nó cũng giúp người ta hiểu tại sao có em bé (người Nhật) đã từ chối nhận phần bánh mì trước những người lớn tuổi: đơn giản, em tin chắc rằng mình sẽ không bị bỏ đói, bỏ rơi.

Cả việc thực thi pháp luật, muốn đạt được kết quả tốt nhất, ổn định nhất, cũng phải dựa chủ yếu vào lòng tin, chứ không phải vào sự cưỡng chế của bộ máy nhà nước. Niềm tin đối với sức mạnh của luật thể hiện thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và ý thức phê phán đối với hành vi vi phạm pháp luật.

Nếu không ai tin ai, thì chuẩn mực sẽ bị xếp xó. Khi dó, theo đúng quy luật tự nhiên hoang sơ “ mạnh được, yếu thua”, mọi người sẽ xông lên phía trước để giành thế thượng phong trong quá trình tìm kiếm lợi ích. Người ta sẽ giẫm đạp nhau ở nơi công cộng để mua vé, mua bánh mì, sẽ giành đường bằng mọi cách, kể cả lấn làn, vượt đèn đỏ, leo lên lề, cũng như sẽ tìm cách thu gom của cải nhiều nhất về cho mình để phòng hậu hoạn. Với kiểu sống đó, thì ai chậm chân đến sau sẽ chẳng còn gì mà hưởng.

Tóm lại, lòng tin hỗ tương, chứ không phải là thứ gì khác, là cái thúc đẩy con người ta tìm đến nhau, dựa vào nhau để sống và mưu cầu hạnh phúc trong không gian chung trên cơ sở tuân thủ một hệ thống chuẩn mực chung.

Là người chịu trách nhiệm tổ chức cuộc sống xã hội, nhà chức trách, nhà quản lý phải là người đi đầu trong việc xây dựng và củng cố lòng tin đó, trước hết bằng cách tỏ ra mẫu mực trong việc tôn trọng các chuẩn mực được xã hội đề ra, cũng như trong việc xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm pháp luật.

Tấm gương của người nắm quyền lực sẽ tạo sức mạnh cổ vũ để toàn xã hội làm theo.

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN