Doanh nghiệp, người tiêu dùng thêm hoang mang vì giá điện
Giá điện tăng 5% có thể giáng thêm đòn đau cho doanh nghiệp đang cùng quẫn. Người tiêu dùng thì lo ngại giá cả "tát nước theo mưa", nhất là ở thời điểm năm hết Tết đến.
Kể từ ngày 22/12, giá điện bình quân sẽ điều chỉnh từ 1.369 đồng mỗi kWh lên 1.437 đồng, đánh dấu lần tăng thứ hai liên tiếp trong năm. Theo tính toán của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), chỉ số giá tiêu dùng có thể tăng thêm 0,12% sau đợt điều chỉnh này.
Nhưng chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng tác động không dừng lại ở đó. Điện là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành như sắt, thép xi măng. Khi đầu vào biến động, đầu ra cũng sẽ tăng và cuối cùng chính người dân lại phải gánh chịu hậu quả. Hơn nữa, thời điểm áp giá mới rơi vào "năm cùng tháng tận" sẽ gây sốc tâm lý cho người dân.
Năm 2012 là thời điểm khó khăn của không ít doanh nghiệp. Nhiều nơi cắt thưởng, nợ lương buộc phải thắt chặt chi tiêu thì nay lại phải cắn răng rút hầu bao cho việc tăng giá điện.
"Giá điện tăng vào thời điểm cuối tháng 12, lạm phát sẽ ngấm đòn từ tháng sau và đến Tết nguyên đán", ông Doanh dự báo.
|
Giá điện tiếp tục tăng đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Ảnh: Hoàng Hà |
Năm 2013, Chính phủ đặt mục tiêu CPI ở mức 7 - 8% và “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012”, song theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, CPI phải ở mức dưới 7%, lãi suất mới có thể giảm. Cho rằng CPI những tháng cuối năm nay tương đối thấp và EVN khôn ngoan khi chọn thời điểm này để tăng giá, song theo bà Lan, cước vận tải tăng do thu phí đường bộ cùng với giá điện điều chỉnh thì CPI những tháng đầu năm 2013 sẽ biến động.
"CPI cả năm 2013 sẽ ảnh hưởng, khả năng hạ lãi suất khó và kéo theo đó là doanh nghiệp sẽ 'chết' nhiều hơn", bà Lan nói.
Giáp Tết cũng là thời điểm doanh nghiệp xả hàng tồn kho nhưng nay giá điện tăng bất ngờ khiến doanh nghiệp hụt hẫng. Quan trọng hơn, theo bà Chi Lan, là giá điện tăng trong bối cảnh hiện nay khiến người dân bị mất niềm tin. "Chưa kịp mừng vì những chính sách giãn thuế của Bộ Tài chính thì nay doanh nghiệp và người tiêu dùng lại bị giáng đòn đau", bà Chi Lan nói.
Kinh doanh trong môi trường khó khăn suốt thời gian qua, nhiều công ty đã cắt giảm tối đa chi phí. Do đó, ông Đinh Sơn Hùng, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng doanh nghiệp khó có thể tiết kiệm hơn nữa. Như vậy, đợt tăng giá điện 5% lần này, doanh nghiệp sẽ "chết" nhiều hơn khi chi phí đầu vào tiếp tục leo thang, hàng tồn kho chưa giải quyết hết mà tiếp cận vốn lại khó khăn.
Muốn tồn tại, doanh nghiệp phải tìm cách khác xoay sở. Theo lãnh đạo Viện, đó có thể là giảm tiêu hao điện năng, phát động phong trào tiết kiệm điện, thay đổi vị trí đặt bóng đèn sao cho lượng bóng ít đi mà vẫn đủ sáng cho người lao động làm việc. Điều này có thể khiến chi phí tăng hơn cả mức tăng 5% của giá điện, song về lâu về dài sẽ có lợi cho doanh nghiệp hơn, bởi giá điện có thể còn thay đổi nữa.
Doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán là điều khó tránh và người kinh doanh cần nghĩ cách để sức mua không bị sụt mạnh. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, nếu nhà đèn chịu chia sẻ một phần khó khăn với tình hình chung, đưa các thông số minh bạch, có căn cứ thuyết phục người dân lý do tăng giá thì họ sẽ tiếp nhận việc điều chỉnh này dễ dàng hơn, chứ không ấm ức như hiện nay.
Một chuyên gia kinh tế tại TP HCM cho biết, đây là giai đoạn doanh nghiệp, người tiêu dùng dễ bị lung lay niềm tin. Thu nhập của người dân thấp, thua xa tốc độ tăng giá hàng hóa nên xu hướng tiết kiệm ngày càng rõ nét. Thậm chí giới nhà giàu cũng không mạnh dạn mua sắm như các năm trước.
Bản thân doanh nghiệp "ngấm đòn suy thoái" nặng kể từ năm 2008 đến nay, năm sau còn khó khăn hơn năm trước. Ông cho biết, hiện nhiều vị lãnh đạo bi quan về tương lai doanh nghiệp, họ mất niềm tin khi các chủ trương, chính sách liên tục thay đổi nên không ứng phó kịp. Tình trạng thoái nợ ngày càng phổ biến. Các ông chủ không dám vay nhiều và rất hạn chế bỏ vốn tự có ra kinh doanh, dừng các dự án mới vì bí đầu ra. Nay câu chuyện tăng giá điện càng làm chùn bước ý định đầu tư sản xuất của nhiều doanh nhân.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, không nên quá nặng nề về việc tăng giá điện. Bởi theo ông, con số 5% không phải lớn và cần có "một cái nhìn dài hạn hơn cho ngành điện". Quy hoạch phát triển điện VII, ước tính, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 vào khoảng 194-210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330-362 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 695-834 tỷ kWh. Trong năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện phải lên tới khoảng 75.000MW. Năm 2030, con số này lên 146.800MW.
Ông Thành phân tích, chỉ còn khoảng 8 năm nữa, tổng công suất các nhà máy điện phải lên tới 75.000 MW, một con số không nhỏ. "Mấu chốt vấn đề là cần phải tập trung đẩy mạnh tiến độ để xây dựng các dự án đồng thời đưa ra cơ cấu giá bán điện hợp lý mới có thể đặt ra mục tiêu đề ra", ông Thành nói.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, hàng nghìn doanh nghiệp phá sản việc điều hành chính sách giá điện cần phải được tính toán kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng tâm lý người dân. Song theo ông Thành, giá điện phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân cũng như doanh nghiệp, tránh tính trạng giá bán quá thấp dẫn đến hiện tượng nhiều doanh nghiệp FDI đổ xô vào Việt Nam sản xuất khiến doanh nghiệp nội lao đao.
Giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang | Giá hiện tại | Giá mới | Mức tăng |
Từ 0 đến 100 kWh | 1.284 | 1.350 | 66 |
Từ 101 đến 150 kWh | 1.457 | 1.545 | 88 |
Từ 151 đến 200 kWh | 1.843 | 1.947 | 104 |
Từ 201 đến 300 kWh | 1.997 | 2.105 | 108 |
Từ 301 đến 400 kWh | 2.137 | 2.249 | 112 |
Từ 401 kWh trở lên | 2.192 | 2.307 | 115 |
Hoàng Lan - Bạch Hường