Tất bật chuẩn bị
Kết nối doanh nghiệp Việt -
Campuchia
Sáng 4-4-2010, tại khách sạn Phnôm Pênh, thủ
đô Campuchia sẽ diễn ra cuộc kết nối giao thương giữa 100 nhà phân phối
- đại lý của Campuchia với 100 nhà sản xuất hàng Việt Nam chất lượng
cao cùng với 100 thương nhân Việt Nam. Đây cũng là cơ hội trực tiếp gặp
gỡ, đàm phán với các đối tác thương mại và đầu tư của nước bạn
Campuchia.
|
Sau một thời gian bám
trụ ở thị trường Campuchia, Vissan nhận ra 2 mặt hàng chủ lực bán chạy
tại thị trường Campuchia chính là loại paté heo và paté gan. Xuất hiện ở
Campuchia lần này, Vissan có nhiều sản phẩm mới mang đến cho người tiêu
dùng Campuchia như: xúc xích dinh dưỡng, bò kho, xíu mại sốt cà… Thương
hiệu bánh ABC mới ra thị trường vài năm gần đây đã nhanh chóng được
bình chọn là thương hiệu tốt nhất Việt Nam, nay đã mở dây chuyền bánh
tươi bán thường xuyên ở Campuchia. Ở hội chợ lần này họ đưa ra dạng bánh
ăn nhanh phục vụ đời sống đô thị Campuchia.
Còn Vinamilk đem đến thị trường
Campuchia nhiều loại sữa chua, sữa đặc trong dịp hội chợ. Vinamilk cho
biết công ty đang đẩy mạnh đầu tư dàn tủ lạnh để các điểm phân phối, nhà
bán lẻ có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng. Một kế
hoạch lớn hơn là xây nhà máy chế biến tại thị trường Campuchia cũng được
đơn vị này nhắm đến.
Sức mạnh của thương hiệu
chung
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu sang
Campuchia chủ yếu là mì ăn liền, sản phẩm nhựa, thuốc lá, bánh kẹo, bắp
giống, hàng gia dụng, rau quả và nhập khẩu từ Campuchia các loại nguyên
liệu phục vụ ngành may, phụ tùng ôtô, gỗ, cao su. Trong danh sách 10 mặt
hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia có kim ngạch cao và chiếm
lĩnh được thị phần lớn là sắt thép xây dựng, máy móc phục vụ nông
nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng công nghiệp tiêu dùng,
hàng nông sản chế biến, xăng dầu tái xuất,…
Với lợi thế về khoảng cách từ
TPHCM sang Phnôm Pênh khoảng 240km, hàng hóa có thể vận chuyển trong
ngày nên một số mặt hàng thực phẩm giữ được độ tươi ngon. Từ hơn 8 năm
nay, thông qua Hội chợ HVNCLC người tiêu dùng Campuchia càng thêm tin
tưởng hàng Việt. Mấy năm gần đây, các sản phẩm có “kèm logo bông lúa”
(cách người Campuchia gọi logo Hàng VNCLC) được người tiêu dùng
Campuchia chọn dùng đã hỗ trợ việc mở mạng lưới phân phối hàng Việt
không chỉ có ở Phnôm Pênh mà đã lan về các tỉnh, thành khác của
Campuchia.
Mở ra nhiều cơ hội
Cuối tháng 6 năm 2009, Sacombank
mở chi nhánh tại Phnôm Pênh, triển khai dịch vụ chuyển tiền nhanh giữa
Campuchia và Việt Nam trong 1 giờ với chi phí cạnh tranh và thủ tục đơn
giản. Cuối tháng 8-2009 An Giang chính thức khai trương khu thương mại
Tịnh Biên, mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp hai nước thuận lợi hơn
trong hoạt động thương mại.
Bên cạnh đó, phía Chính phủ
Campuchia cũng định hướng cải cách hành chính công trong vấn đề cắt giảm
thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xin phép hoạt động thương mại
trong và ngoài nước, thực hiện một cửa ở các cửa khẩu quốc tế cũng như
các đặc khu kinh tế và khu công nghiệp khác.
Ông Yeav Kim Hean, tham tán thương
mại Vương quốc Campuchia tại Việt Nam khẳng định: “một thuận lợi quan
trọng là người dân Campuchia nay đang chuyển hướng tiêu dùng sản phẩm
hàng hóa Việt Nam, dù vốn quen xài hàng Thái trước đó”.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc
Trung tâm BSA, năm nay, hội chợ có nhiều doanh nghiệp, nhiều thương hiệu
tham gia hơn trước với các dịch vụ tiện lợi, phong phú hơn. Nhiều hoạt
động văn hóa, thể thao, xã hội cũng được tổ chức dịp này như: đua xe hữu
nghị Việt Nam-Campuchia chào mừng hội chợ; khám bệnh phát thuốc cho dân
nghèo 3 tỉnh Phnôm Pênh, Kandal, Tàkeo; văn nghệ đặc sắc hàng đêm do
các ngôi sao ca nhạc Việt Nam và Campuchia biểu diễn.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT,
TGĐ Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang, đơn vị đồng hành với ban
tổ chức trong việc thực hiện các hoạt động xã hội tại hội chợ cho biết:
“Campuchia là thị trường tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức. Lợi thế
của chúng ta là tình hữu nghị lâu đời, vị trí gần gũi, có nhiều tương
đồng về văn hóa, tình cảm, đặc biệt là với người nông dân. Nhưng chúng
tôi cũng như các DN khác, phải tính chuyện lâu dài mới chinh phục được
lòng tin của người nông dân nước bạn: Không chỉ là đưa một sản phẩm,
CTCP Bảo vệ Thực vật An Giang từng bước đã đưa cả một quy trình như lập
văn phòng công ty, hệ thống phân phối, các chương trình hỗ trợ kỹ thuật
và hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe, thể dục thể thao, bảo vệ môi trường...
sang Campuchia”.
(http://www.sggp.org.vn)
|