LTS. Sự kiện ban biên tập tạp chí Euro Physics Letters (một tạp chí vật lý hàng đầu của châu Âu) thông báo rút bài “Hằng số tương tác điện từ thay đổi theo thời gian” của nhóm tác giả Lê Đức Thông, Nguyễn Mộng Giao, N. T. Hung - viện Vật lý Hà Nội, và Trần Văn Hùng - trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ TP.HCM do đạo văn quá nhiều, một lần nữa gióng lên hồi chuông về đạo đức khoa học. Sai trái đã rõ nên những ý kiến dưới đây không đề cập đúng sai nữa, mà vấn đề là làm cách nào ngăn chặn “làn sóng” đáng lo ngại này.
Môi trường khoa học giờ đây không còn vô nhiễm, nên rất cần giáo dục đạo đức khoa học cho thế hệ nghiên cứu trẻ. Ảnh: Đức Tuấn |
Thực ra không phải cho đến bây giờ vấn đề này mới được đặt ra. Cách đây hơn mười năm, một luận án tiến sĩ về toán cũng đã được đem ra mổ xẻ và có kết luận rõ ràng là tác giả luận án đã đạo văn, tức sử dụng những kết quả của người khác như của mình. Nếu có một khảo sát đầy đủ, tôi tin chắc rằng số sách, số luận văn luận án đạo văn sẽ là con số không nhỏ!
Như vậy vấn đề là do đâu? Và làm thế nào để chống lại làn sóng đạo văn đang diễn ra? Theo tôi nguyên nhân là rất rõ ràng: chúng ta đã không chú ý đến vấn đề giáo dục sự trung thực khoa học cho sinh viên, các học viên khoa học và cả các nhà khoa học. Chúng ta đã không nhận rõ tính chất nghiêm trọng của vấn đề và vì thế sinh viên của chúng ta không được dạy cách tôn trọng bản quyền, không biết những hậu quả của việc đạo văn. Và trên thực tế, ở Việt Nam, lỗi đạo văn thường ít bị phạt, cùng lắm chỉ ở mức độ nhắc nhở, yêu cầu bổ sung trích dẫn (trong luận văn hay trong bài báo).
Ở các nước có nền khoa học tiên tiến, vấn đề bản quyền và đạo văn rất được coi trọng. Mặc dù đạo văn không được coi là một dạng tội phạm, nhưng nó được coi là một sự vi phạm nghiêm trọng đạo đức của một nhà khoa học. Ở các trường đại học của họ, ngay trong những buổi học đầu tiên người ta đã dạy sinh viên việc phải trích dẫn các kết quả, ý tưởng, câu nói của người khác. Sinh viên được nhắc nhở rằng đạo văn là vi phạm đạo đức, và nhẹ nhất là huỷ kết quả bài làm, nặng có thể buộc thôi học.
Một số vụ đạo văn trong nước bị phát hiện, tố cáo – Bà Phan Thư Hiền (phó giám đốc sở Văn hoá, thể thao và du lịch Hà Tĩnh) bị tố cáo đạo 20 trang khảo cứu của TS Nguyễn Xuân Diện. – Công trình của PGS.TS, viện trưởng viện Hán Nôm Trịnh Khắc Mạnh sau hai năm trao giải Sách hay được phát hiện là có nguồn gốc bất minh. – TS Mai Hảo Yến của ĐH Hồng Đức bị tố cáo đạo văn có hệ thống ba công trình khoa học của hai giáo sư đầu ngành (Đỗ Hữu Châu, Diệp Quang Ban)... |
Đấy là mới ở mức độ những báo cáo seminar, bài khoá luận hay luận văn tốt nghiệp đại học. Còn ở mức độ các bài báo khoa học đã được đăng thì vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Trong sự việc bài báo của tác giả Lê Đức Thông và các cộng sự, rất đáng tiếc là một sự may mắn (bài báo được nhận đăng) lại biến thành một thảm hoạ (bị phát giác đạo văn). Sự việc này ảnh hưởng trước hết đến các tác giả bài báo (trong đó có những người có thể do vô tình mà dính vào), sau đó, rõ ràng giới khoa học Việt Nam cũng bị vạ lây. Cuối cùng, chính tạp chí Euro Physics Letters cũng bị ảnh hưởng uy tín do đã không làm kỹ khâu phản biện. Nhưng cũng chính việc Euro Physics Letters, dù biết rất rõ về sự ảnh hưởng này, vẫn không ngần ngại đăng thông báo đính chính cho thấy giới khoa học coi trọng sự thật như thế nào. Và mọi sự giả dối, mọi sự đạo văn cho dù tinh vi đến đâu, không sớm thì muộn cũng sẽ bị phát giác và trừng phạt.
Cuối cùng, như một giải pháp cho vấn đề này, tôi cho rằng chúng ta phải có những hành động cụ thể để giáo dục sự trung thực và đạo đức khoa học cho học sinh, sinh viên. Và đó không phải là những lời hô hào suông mà là những chỉ dẫn cặn kẽ, đầy đủ nhất: Trích dẫn như thế nào? Tại sao phải trích dẫn? Đạo văn là gì? Hậu quả của đạo văn ra sao? Nó sẽ dẫn anh về đâu? Nó sẽ dẫn nền khoa học nước nhà đến đâu?
Nhưng trước hết, những người thầy, những người anh đi trước phải là những tấm gương sáng về sự trung thực, về tinh thần khoa học chân chính cho các đàn em và hậu bối noi theo.
TS. TRẦN NAM DŨNG
Ông Vũ Ngọc Hoan, cục phó cục Bản quyền tác giả thuộc bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Bản chất từ “đạo văn” là cách nói dân gian của chúng ta về hành vi sao chép trái phép các sản phẩm trí tuệ. Hiện nay, Việt Nam có hai văn bản pháp quy để xử lý hành vi này. Thứ nhất, trong luật Sở hữu trí tuệ chúng ta cũng có điều quy định cụ thể về hành vi này. Ngoài ra, chúng ta có nghị định số 47/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính quyền tác giả và các quyền liên quan được Chính phủ ban hành ngày 13.5.2009. GS Nguyễn Văn Tuấn, nghiên cứu viên cao cấp viện Nghiên cứu y khoa Garvan – Úc Đạo đức khoa học đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Các quy ước về đạo đức khoa học bao gồm thành thật tri thức, cởi mở và công khai, ghi nhận đóng góp của đồng nghiệp một cách thích hợp, và có trách nhiệm trước công chúng và xã hội. Nhưng ở những nước mới phát triển khoa học, người ta không xem trọng đạo đức khoa học. Tuy nhiên, khi một nhà khoa học đã công bố nghiên cứu thì họ chỉ có thể lừa gạt nhiều người trong một lần, hay lừa gạt một người trong nhiều lần, nhưng không thể nào lường gạt nhiều người trong nhiều lần. Gian lận khoa học ở nước ta chắc chắn là có. Những trường hợp đạo văn trong các bài báo khoa học, đạo công trình nghiên cứu, lấn áp nghiên cứu sinh hay cộng sự viên cấp thấp, cướp công, sửa số liệu... từng được nêu trên báo chí, nhưng việc xét xử vẫn chưa rõ ràng. THUẦN TUYỀN (GHI) |