Tháng 12-2009, một công ty con của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là Satraco (Công ty TNHH một thành viên Thương mại Sabeco, đơn vị độc quyền phân phối sản phẩm của Sabeco) ký hợp đồng nguyên tắc với một công ty ở Singapore là Sabeco Asia Pacific. Từ đây, nhiều chuyện nhập nhằng về thương hiệu Sabeco nảy sinh.
“Ngắm” thương hiệu quốc gia
Theo hợp đồng, Sabeco Asia Pacific được độc quyền bán hàng, phân phối 4 sản phẩm của Sabeco gồm bia chai Saigon Larger, bia chai Saigon Export, bia chai Saigon Special và bia lon 333 Export. Phạm vi bán hàng được thực hiện tại 20 nước và vùng lãnh thổ thuộc châu AÁ. Tháng 3-2010, hai bên chính thức ký kết hợp đồng với số lượng sản phẩm xuất khẩu lên đến gần 850.000 thùng bia, trị giá 5 triệu USD.
Tháng 7-2010, Sabeco Asia Pacific gửi thư mời lãnh đạo Sabeco tham gia Lễ hội Bia châu Á tại Singapore. Nhận được thư mời, lãnh đạo Sabeco mới biết đối tác của mình là công ty có cùng tên thương mại Sabeco, sử dụng con dấu có chữ Sabeco và hình con rồng giống thương hiệu của Sabeco đến mức có thể gây nhầm lẫn.
Ông Nguyễn Bá Thi, Chủ tịch HĐQT Sabeco, cho biết ngay khi phát hiện sự việc, HĐQT đã giao các bên liên quan làm rõ và đề xuất biện pháp xử lý. Ông Thi cho rằng trong sự việc này, Công ty Satraco được giao đi tìm thị trường nhưng đã có biểu hiện vượt quá thẩm quyền.
Vincom đang kiện Vincon vì cho rằng bị nhái thương hiệu. Trong ảnh: Các nhà đầu tư theo dõi
giá cổ phiếu tại Công ty CP Chứng khoán Vincom. Ảnh: Tấn Thạnh
Sau khi đàm phán, phía đối tác Singapore đã cơ bản đồng ý sửa tên thương mại để tiếp tục giữ quan hệ hợp tác giữa hai bên. Bản thân Sabeco Asia Pacific cũng chưa đạt doanh số 5 triệu USD/năm như điều khoản hợp đồng để được phân phối độc quyền sản phẩm của Sabeco ở nước ngoài.
Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, ông Lê Hồng Xanh, Giám đốc điều hành marketing của Sabeco, cho biết trước khi có chủ trương bán hàng ở Singapore, đơn vị đã nộp đơn xin bảo hộ độc quyền thương hiệu Sabeco cũng như các thương hiệu của từng sản phẩm tại quốc gia này.
Tuy nhiên, đến nay chưa thể biết khả năng được chấp nhận đến đâu vì đơn vẫn đang trong quá trình xem xét. Phía Sabeco cũng chưa có thông tin về việc Sabeco Asia Pacific có nhanh tay đăng ký bảo hộ các thương hiệu của mình hay không. Hiện nay, Sabeco mới đăng ký bảo hộ thương hiệu ở 18 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Vincom kiện Vincon
Ngược lại với trường hợp của Sabeco là Công ty CP Vincom, có trụ sở chính tại Hà Nội, chủ yếu kinh doanh bất động sản (BĐS), dịch vụ tài chính, được bảo hộ độc quyền nhưng đang có nguy cơ bị nhái thương hiệu ngay ở thị trường trong nước với cùng lĩnh vực hoạt động.
Thành lập từ năm 2002, năm 2005, công ty này đăng ký bảo hộ thương hiệu Vincom và được cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền vào năm 2008 với nhóm dịch vụ BĐS, dịch vụ tài chính tiền tệ (nhóm 36) và một số dịch vụ thuộc nhóm khác. Năm 2007, trên thị trường xuất hiện một thương hiệu tài chính, BĐS khác là Vincon (Công ty CP Vincon).
Đau đầu với việc đâu đâu! Gần đây, một phó giám đốc của Vincon bị bắt quả tang đánh bạc ngay tại phòng họp nhưng dư luận hiểu nhầm người này là phó giám đốc của Vincom. “Chúng tôi không ít lần phải giải thích với khách hàng, với nhà đầu tư về những việc mà mình không làm, không phải đối mặt do có sự nhầm lẫn về thương hiệu. Điều này khiến chúng tôi hết sức bức xúc và nhận thấy cần phải có những hành động pháp lý để bảo vệ uy tín thương hiệu của mình”- ông Lê Khắc Hiệp nhận xét. |
Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Vincom, cho biết sự nhầm lẫn bắt đầu xảy ra thường xuyên từ năm 2009, khi Vincon công bố dự án khu du lịch sinh thái tại Chân Mây (Lăng Cô, Thừa Thiên – Huế) khiến dư luận và cả báo giới cũng nhầm lẫn đây là dự án của Vincom.
Sau đó, Vincon không huy động được vốn trong một loạt dự án xây nhà cho người thu nhập thấp cũng khiến người ta nhầm tưởng Vincom đang gặp trục trặc nhiều dự án đầu tư.
Tháng 11, Vincom đã nộp đơn kiện Vincon ra TAND TP Hà Nội vì hành động vi phạm điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT); đồng thời gửi đơn yêu cầu xử lý vi phạm lên Thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ.
Phía Vincon cho biết sẵn sàng hầu tòa nhưng đã lên tiếng phản bác những lý lẽ Vincom đưa ra. Vincon cho rằng chưa đủ căn cứ để cáo buộc họ vi phạm Luật SHTT và việc Vincom tổ chức họp báo công bố khởi kiện là “hành xử mang tính thái quá”.
Ngày 10-2, doanh nghiệp này đã nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu Vincon lên Cục SHTT, tên thương hiệu đầy đủ là “VC Vincon Land”. Ngày 29-3, Cục SHTT có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, thực hiện công bố đơn trên công báo và chuyển sang thẩm định nội dung theo quy định. Tháng 8-2010, Vincom đã nộp đơn phản đối lên Cục SHTT.
Vincon có vi phạm Luật SHTT hay không còn chờ phán quyết cuối cùng của tòa án nhưng theo một số chuyên gia, khả năng được cấp bằng bảo hộ của Vincon là rất thấp. Bởi, xét về yếu tố “chữ” trong thương hiệu, Vincon rất dễ nhầm với Vincom cả về ký tự lẫn cách phát âm.
VN đã tham gia Thỏa ước Madrid về SHTT từ năm 1995, có Ngày SHTT cách đây gần 10 năm và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã được 3 năm nhưng vấn đề thực thi SHTT lại chưa có nhiều tiến bộ.