SGTT.VN - "Việc đạo văn, mà lại đạo kết quả khoa học là một điều không thể chấp nhận được, bởi kết quả khoa học là thành quả lao động của người khác, mình lại xem như của mình là không thể được".
Tiến sĩ khoa học Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội chia sẻ với SGTT sau vụ “đạo văn” của nhóm tác giả Lê Đức Thông, Nguyễn Mộng Giao (viện Vật lý TP.HCM), N. T. Hung (viện Vật lý Hà Nội) và Trần Văn Hùng (trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ TP.HCM).
Tiến sĩ khoa học Đào Trọng Thi. Ảnh: báo Giáo Dục |
Xin ông cho biết ý kiến của mình về tình trạng đạo văn của các nhà khoa học Việt Nam trong thời gian qua?
Chuyện đạo văn trong dư luận đã có nhiều lần bàn, đây là một hiện tượng tương đối phổ biến. Tuy nhiên, trong đạo văn có cái nghiêm trọng nhưng có cái không nghiêm trọng lắm. Tôi thí dụ khi người ta nói đạo văn sách giáo khoa, người sau đạo văn của người trước thì tôi cho rằng cũng nên cân nhắc lại. Bởi sách giáo khoa là kiến thức chung của nhân loại. Anh bảo tôi lấy của anh nhưng thực sự anh không phải là người làm ra kiến thức ấy, anh cũng là người tiếp thu kiến thức ấy ở một nơi khác, từ thế hệ này sang thế hệ kia. Khi anh sử dụng nội dung ở nguồn nào thì phải trích dẫn lại nhưng tính chất của đạo văn kiểu như vậy nó không trầm trọng.
Nhưng việc đạo văn mà lại đạo kết quả khoa học là một điều không thể chấp nhận được! Nó thể hiện tính không trung thực, bởi kết quả khoa học là thành quả lao động của người khác, mình lại xem như của mình là không thể được. Đặc biệt, sự việc lần này lại liên quan đến quốc tế, đến tạp chí rất có uy tín và trách nhiệm. Cho nên đã đến lúc cần phải có cảnh báo đối với các nhà khoa học. Các nhà khoa học phải thể hiện tính trung thực, sự nghiêm túc đối với các hoạt động khoa học, điều rất quan trọng với bất kỳ người nào tham gia các hoạt động này.
Vậy theo ông, hiện nay có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?
Thứ nhất là bản thân người làm khoa học phải trung thực, thận trọng trong hoạt động của mình. Nếu như nhắc lại nội dung người ta đã trình bày trong sản phẩm khác thì phải trích nguồn nếu trích dẫn, phải tự mình thể hiện trách nhiệm, sự thận trọng trong hoạt động nghiên cứu, công bố.
Thứ hai, các cơ quan khoa học, đặc biệt các nhà khoa học có uy tín cần phải có sự thể hiện trách nhiệm cao hơn, đối với các hoạt động của các nhà khoa học lớp sau, đối với việc triển khai công bố, xuất bản sản phẩm, công trình khoa học. Các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý, các nhà khoa học phải xem đây là một vi phạm rất lớn, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, phải có xử lý một cách tương xứng để răn đe. Đồng thời thường xuyên nhắc nhở giám sát thì tình trạng này mới dần dần bớt đi được.
Hiện nay đã có xử lý luật pháp nào về vấn đề này chưa, thưa ông?
Trong luật Sở hữu trí tuệ, việc kết quả không phải của anh mà anh công bố lại thì anh không được chấp nhận. “Đạo” đồng nghĩa với việc ăn cắp kết quả người khác, ngay cả việc anh làm độc lập ra kết quả đó, nhưng lại công bố sau người khác thì sở hữu trí tuệ cũng không công nhận kết quả thuộc về anh.
Về việc này, không ai xử tù hay tính vào vi phạm hình sự, nhưng lại vi phạm về đạo đức nghề nghiệp. Tôi cho rằng, ví dụ anh là viên chức một cơ quan sự nghiệp nhà nước là anh đã vi phạm đạo đức viên chức. Như tôi được biết thông tin có một viện nói sẽ đuổi việc một trong những người đó. Cũng có thông tin cho rằng, tên của họ được cho vào ngẫu nhiên trong nghiên cứu, tôi cho rằng không có chuyện đó. Chưa nói tới, nếu không bị rút bài, anh có thể còn mang chuyện được ghi tên trong công trình ra để phục vụ cho lợi ích phong danh hiệu, khen thưởng công trình khoa học.
Ngoài ra, việc người ta tuyên bố rút bài như vậy đối với một nhà khoa học tôi cho rằng đã là một hình phạt rất nặng, tôi nghĩ những người đó chắc không bao giờ còn có thể hoạt động bình thường trong giới khoa học được nữa.
THANH TUYỀN (THỰC HIỆN)