Thời gian qua, dư luận không khỏi hoang mang trước việc nhiều cơ sở chế biến cà phê đã “hô biến” hóa chất, hương liệu, đậu nành rang thành cà phê chính hiệu. Và thực tế, một số lượng không ít các loại bột được gọi là cà phê này đã đi ra thị trường, đến với người dùng.
Vì thế, làm sao để có thể nhận diện và từ bỏ các loại cà phê có phụ gia, chất độn là nỗi băn khoăn của rất nhiều người.
Trước thực tế đó, buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Cà phê giả - cà phê thật” sẽ giúp bạn đọc cách thức để phân biệt cà phê có phụ gia, chất độn qua thí nghiệm đơn giản; cung cấp thông tin về cà phê, văn hóa cà phê, kinh doanh cà phê; tác hại của việc sử dụng cà phê giả; kinh nghiệm lựa chọn hàng hóa, sản phẩm; quyền lợi của người tiêu dùng...
Khách mời gồm:
- Bác sĩ Lương Lễ Hoàng - Trung tâm Ôxy cao áp.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng tốt nghiệp y khoa ở Sài Gòn, định cư ở CHLB Đức từ năm 1981.
Bên cạnh một số phát kiến đã được đăng ký bản quyền phát minh tại CHLB Đức, bác sĩ Lương Lễ Hoàng là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về y dược nhằm mục tiêu cổ động cho biện pháp phòng bệnh bằng cách vận dụng kinh nghiệm của y học dân gian nhưng với tri thức cập nhật và kỹ thuật thực nghiệm của y học hiện đại.
- Bà Nguyễn Minh Hương, đại diện Hội chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM.
Bà Hương hiện là phó chủ tịch Hội chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM (AFCA), phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (ASEAN IPA), hội viên của Hội các luật sư sáng chế châu Á (APAA), Hội nhãn hiệu hàng hóa quốc tế (INTA).
- Ông Nguyễn Thanh Tùng - phó tổng giám đốc Vinacafé Biên Hòa.
Ông Nguyễn Thanh Tùng được bổ nhiệm vào vị trí phó tổng giám đốc Vinacafé Biên Hòa từ tháng 2-2012.
Trước đó, ông Tùng từng đảm nhận các vị trí trưởng phòng marketing kiêm trưởng phòng kinh doanh từ tháng 1-2011 đến tháng 1-2012, trưởng phòng marketing Vinacafé Biên Hòa từ tháng 6-2002 đến tháng 12-2010.
CUỘC GIAO LƯU ĐANG DIỄN RA, NỘI DUNG:
* Thưa ông Nguyễn Thanh Tùng, theo ông thực trạng cà phê giả Việt Nam đang ở mức nào và sự ảnh hưởng của nó tới ngành cà phê Việt Nam? (Phan Đăng Dũng, 34 tuổi,dangphan719@...)
- Ông Nguyễn Thanh Tùng - phó tổng giám đốc Vinacafé Biên Hòa: Trước khi nói về thực trạng thị trường cà phê Việt Nam hiện nay, tôi muốn làm rõ, khái niệm cà phê thật và cà phê giả. Thế giới hiện có 3 phân khúc tiêu dùng cà phê theo thứ tự từ cao xuống thấp như sau:
(1) cà phê 100% thiên nhiên, đỉnh cao của loại này là cà phê hữu cơ. Cà phê hữu cơ được chế biến từ nhũng hạt cà phê được trồng, chăm bón một cách hữu cơ, tức là loại bỏ tất cả các yếu tố vô cơ như phân hóa học, thuốc trừ sâu,...
(2) cà phê có sử dụng hương liệu. Loại này các nhãn hiệu đa quốc gia thường sản xuất.Mục đính chính của việc sử dụng hương liệu là nhằm đồng nhất hương vị của sản phẩm, dù nó được sản xuất từ nguyên liệu cà phê nào, tại quốc gia nào.
(3) cà phê có bổ sung các loại hương khác không phải là cà phê và pha thêm một số thành phần khác như sôcôla, ca cao, chicory, các chất thay thế cà phê khác.
Sản xuất loại nào trong 3 loại kể trên, nhà sản xuất công bố rõ thành phần của loại đó trên bao bì sản phẩm. Khi đã ghi rõ như vậy, nếu sử dụng hương và chất độn, nhà sản xuất bắt buộc phải tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là các sản phẩm cà phê thật.
Ngược lại, nếu trên bao bì sản phẩm, nhà sản xuất không công bố đúng, đủ hoặc sai sự thật, nhập nhằng, lẫn lộn 3 loại trên với nhau thì bị coi là làm cà phê giả.
Về thực trạng cà phê Việt Nam: Những năm trước 1990, cà phê nguyên liệu thiếu và đắt đỏ, hầu hết các cơ sở chế rang xay đã sử dụng bắp và một số loại hạt khác để độn vào cà phê. Ngoài ra, để tạo gu riêng, một số phụ gia khác như rượu, bơ, hạt cau, thậm chí cả nước mắm được cho vào cà phê. Hiện tượng này kéo dài đã tạo nên gu cà phê tạp trên thị trường cà phê rang xay.
Càng về sau, gu này đã càng khuyến khích các cơ sở sản xuất chỉ chú trọng vào việc tìm kiếm các chất độn rẻ tiền hơn nhằm tối đa hóa lợi nhuận mà không chú ý vào việc đầu tư cho công nghệ và kỹ thuật chế biến. Tuy không phải là cà phê nguyên chất, nhưng hầu hết các nhà sản xuất đều ghi là 100% cà phê hoặc mỹ miều hơn với những cái tên như Culi, Arabica, Robust, ….
Ngày nay, hiện tượng này đã lây cả sang cà phê hòa tan. Thực trạng cà phê giả đã ở mức báo động đỏ. Vài năm gần đây, ngoài phụ gia, còn có nhiều loại hóa chất độc hại được cho vào cà phê. Không chỉ dùng chất độn, có loại "cà phê" hoàn toàn sử dụng đậu nành trộn với hóa chất không rõ nguồn gốc, như các báo đã đưa. Những loại hóa chất đó có hai đối với sức khỏe cho những người đã trót nghiền cà phê nên vẫn phải uống. Những người khác thì e dè, không dám uống cà phê. Chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành cà phê Việt Nam, làm cho giá trị của cà phê Việt Nam thấp hơn nhiều thế giới. Ước tính, cà phê Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 10% giá trị thật của mình.