Những ngày đầu năm 2013, sự việc Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh tổng hợp Đông Á, chuyên kinh doanh sản xuất kẹo dừa (Bến Tre), sử dụng chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao giả đã khiến người tiêu dùng thêm một lần nữa bị mất niềm tin.
Và “hình phạt” đầu tiên DN này phải nhận chính là việc bị siêu thị Co.opmart tạm ngưng phân phối hàng ngay trong dịp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, sau khi vào cuộc tìm hiểu vụ việc, chính đại diện Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao đã gửi công văn đề nghị ban lãnh đạo hệ thống siêu thị Co.opmart xem xét tháo gỡ lệnh ngưng phân phối sản phẩm của Đông Á với lý do Đông Á vô tình bị lừa và rớt vào đường dây chạy giấy chứng nhận giả hàng Việt Nam chất lượng cao.
Hiện nay, Hội DN HVNCLC đã có cổng thông tin để người tiêu dùng có thể xác minh doanh nghiệp đạt chứng nhận HVNCLC. Mọi chi tiết, truy cậptại đây |
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, chủ đường dây chạy chứng nhận này, cho biết: “Trước giờ đã làm dịch vụ cho nhiều công ty rồi, những vụ trước đều trót lọt, chỉ từ 1 năm qua khi chương trình chuyển qua hội quản lý bà mới gặp trường hợp này”.
Như vậy, đã có không ít DN đang ngang nhiên lừa dối người tiêu dùng. Sử dụng chứng nhận giả để đưa sản phẩm đến gần hơn với thị trường. Và trong số ấy bao nhiêu DN vô tình, bao nhiêu hữu ý? Giả sử vụ việc của Công ty Đông Á không bị phát hiện, đường dây của bà Thoa sẽ còn tiếp tục làm thêm biết bao nhiêu chứng nhận như vậy nữa?
Ngoài đường dây này, còn có đường dây khác hay không thì vẫn chưa ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác. Nói về sức mạnh của giấy chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao, ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Kềm Nghĩa, từng chia sẻ rằng chính chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao đã giúp ông hiểu thế nào là xây dựng thương hiệu trong buổi đầu kinh doanh. Và cái giấy chứng nhận mỏng manh ấy đã giúp sản phẩm của ông đến được nhanh hơn với người tiêu dùng.
Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều DN chấp nhận đi đường “vòng”, chịu tốn kém để nhanh chóng có trong tay giấy chứng nhận này. Nhưng khi cái sự thật, giả đang được phanh phui dần người tiêu dùng sẽ cảm thấy chán nản. Không biết nên tin ai, nghi ngờ ai, lựa chọn sản phẩm nào.
Đông Á có thể là bài học nhãn tiền cho những DN muốn đi vào con đường này. Thiệt hại sẽ không nhỏ khi bị phát hiện. Song với những DN nằm trong đường dây của bà Thoa thì sao? Họ có đủ dũng cảm vứt bỏ cái giấy chứng nhận giả để làm lại?
Hay lại cần sự “phanh phui” tiếp theo. Nhưng dù thế nào những cơ quan liên quan cũng nên có những động thái mạnh tay hơn để người tiêu dùng yên tâm. Bởi khi niềm tin mất đi thì ngay cả với những sản phẩm thực sự nhận được giấy này người tiêu dùng cũng không khỏi ngờ vực. Và dù muốn dù không, 1 con sâu đã và đang làm rầu cả nồi canh.
Theo T.Dung (Sài Gòn Đầu Tư)